Cách làm mới trong đầu tư giao thông của Bình Dương
Trong khi người dân nhiều địa phương đang vật lộn với các ma trận trạm thu phí BOT dày đặc, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay với vụ BOT Cai Lậy ( Tiền Giang) đang nóng trong tháng 8/2017 này. Thì từ lâu, Bình Dương đã có cách tư duy khác, và những cách làm mới trong đầu tư giao thông, hạ tầng, giúp tỉnh phát triển vượt bậc.
Sau đây là bài viết được trích từ báo Nhân Dân ngày 26/10/2016:
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh Bình Dương có hệ thống giao thông khá đồng bộ nhờ huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, qua đó vừa tạo lực phát triển cho địa phương, vừa tạo thuận lợi cho liên kết vùng. Đổi mới giải pháp huy động nguồn lực đầu tư giao thông trong điều kiện ngân sách có hạn hiện nay, Bình Dương đang có cách làm mới nhằm giảm áp lực thu phí, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Mở rộng kết nối vùng
Trên công trường thi công đoạn cuối đường Mỹ Phước – Tân Vạn tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An những ngày cuối tháng 10, không khí lao động hết sức khẩn trương, sôi động. Các cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) đang gấp rút thi công hoàn thành điểm cuối nhằm kịp đưa tuyến đường vào hoạt động trong năm nay. Đường Mỹ Phước – Tân Vạn là “tuyến đường tạo lực” có chiều dài gần 30 km với điểm đầu từ Khu công nghiệp (KCN) và đô thị Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), đi qua các KCN của thị xã Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, kết nối vào quốc lộ 1, quốc lộ 1 K tại Tân Vạn (đầu cầu Đồng Nai). Đây là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Dương được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị sáu làn xe với tổng vốn đầu tư xây dựng 1.367 tỷ đồng (không tính đền bù giải tỏa) từ nguồn vốn doanh nghiệp, đi qua các KCN của tỉnh và kết nối đến cảng biển Thị Vải, Cái Mép; các cảng công-ten-nơ ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh; đến sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai với thời gian vận chuyển rút xuống 30% và chi phí vận chuyển giảm hơn 20% so với hiện tại.
Cách đó không xa, đường ĐT743 có chiều dài hơn 12 km từ đoạn giáp ranh giữa thị xã Thuận An và thị xã Tân Uyên đến cầu vượt Sóng Thần (thị xã Dĩ An), quy mô sáu làn xe với tổng vốn đầu tư 1.329 tỷ đồng cũng đang được thi công mở rộng để kết nối các tuyến đường giao thông phía nam Bình Dương đến TP Hồ Chí Minh và ra quốc lộ 1, giảm áp lực cho quốc lộ 13 đang quá tải. Trên đường này, trạm thu phí An Phú của một doanh nghiệp (DN) làm BOT đã được tỉnh mua lại, xóa bỏ và bàn giao cho Becamex IDC đầu tư nâng cấp, mở rộng từ vốn DN nhằm tạo cửa ngõ, giúp vận chuyển hàng hóa từ các KCN ra quốc lộ thông suốt hơn.
Cùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường ĐT743, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai đầu tư nhiều tuyến đường khác với quy mô lớn, như đường Mỹ Phước – Tân Vạn đến Bàu Bàng nhằm nâng chiều dài của toàn tuyến lên hơn 64 km, tạo trục giao thông kết nối vùng quan trọng cho Bình Dương và khu vực; đang xây dựng hai tuyến đường ĐT746 và ĐT747B, quy mô sáu làn xe với chi phí mỗi tuyến khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu kế hoạch xây dựng các công trình giao thông tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đường Thủ Biên – Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai… theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, mở rộng đường ĐT743 và các tuyến đường khác có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các tuyến đường này sẽ góp phần tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo lực cho các đô thị vệ tinh của Bình Dương phát triển để mở rộng không gian đô thị và tạo ra chuỗi đô thị liên kết vùng. Đây còn là những tuyến đường huyết mạch quan trọng kết nối các tỉnh miền tây, miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tạo ra cơ hội mới cho các địa phương cùng phát triển.
Đổi mới cách làm
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đường Mỹ Phước – Tân Vạn và đường ĐT743 sẽ không thu phí. Các tuyến đường Tân Vạn – Mỹ Phước, ĐT 746, ĐT 747B sẽ được coi như các “công trình tạo lực” của thành phố mới Bình Dương, chi phí làm đường sẽ được hạch toán vào giá thành của dự án thành phố mới. Bên cạnh đó, khi làm đường thì chính các KCN, đô thị mà DN đầu tư cũng sẽ phát triển; khi đó DN đầu tư các KCN, đô thị có trách nhiệm chia sẻ nguồn vốn làm đường với Nhà nước.
Trong bối cảnh đường BOT với các trạm thu phí mọc lên “như nấm” ở nhiều địa phương, làm cho nhiều DN vận tải bức xúc thì Bình Dương lại có hướng làm đường không thu phí. Thực tế, không phải Bình Dương nhiều tiền mà hướng đến cách làm tạo động lực phát triển thu hút đầu tư, tạo nguồn thu lớn hơn. Trong điều kiện hiện nay, phát triển công nghiệp đã tạo ra áp lực lớn đối với tỉnh nên rất cần vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ an sinh xã hội; việc thu phí BOT trên những tuyến đường mới sẽ tạo ra nguồn thu không nhỏ. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, lãnh đạo tỉnh cho rằng, việc thu phí sẽ “mất nhiều hơn được” và thiếu tính bền vững, không tạo sự hấp dẫn từ môi trường đầu tư phát triển công nghiệp, từ đó giảm thu hút đầu tư, kéo theo giảm thu nhiều khoản khác. Thực tế này ở Bình Dương rất rõ, trước đây trong điều kiện còn khó khăn, tỉnh huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giao thông. Tuy có đóng góp trong thời gian qua, nhưng trên một địa bàn hẹp có hơn 10 trạm thu phí, làm tăng giá thành cho DN, giảm đi phần nào sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư mà tỉnh nỗ lực tạo dựng.
Lý giải việc không thu phí giao thông ở một số tuyến đường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thực tế chi phí đầu tư giao thông đã được tính vào giá thành KCN, khu đô thị và dịch vụ rồi. Nghĩa là, làm KCN và đô thị, không phải nhà đầu tư chỉ làm trong khu vực của mình, mà còn liên quan tới khu vực chung quanh để tạo ra giá trị mới. Ý tưởng hợp tác công – tư (PPP) là như vậy, có nghĩa KCN, đô thị nằm ở đường nào thì giá thành ở khu đó gánh vác thêm trách nhiệm, bỏ chi phí làm đường giao thông đi qua. Một khi giao thông thuận lợi, sẽ giúp KCN, đô thị hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị, đương nhiên nhà đầu tư phải chia sẻ chi phí làm giao thông với Nhà nước. Theo ông Hùng, trước đây quốc lộ 13 được Becamex IDC đầu tư BOT thu phí hoàn vốn, giờ làm thêm lại thu phí nữa là không phù hợp. Hiện nay, DN rất cần dịch vụ logistics, vận chuyển, luân chuyển hàng hóa với giao thông thuận lợi để giảm bớt thời gian và chi phí. Nếu thêm trạm thu phí, sẽ gây khó khăn và giảm khả năng cạnh tranh cho DN, từ đó không tạo được thuận lợi cho giai đoạn phát triển kế tiếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển 28 KCN để thu hút đầu tư hiệu quả, giúp kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định trong thời gian qua; chín tháng qua, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22%; xuất khẩu hơn 16,3 tỷ USD, tăng hơn 16%; tổng thu ngân sách đạt 30 nghìn tỷ đồng,… Vì vậy, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đòi hỏi đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường trên địa bàn tỉnh rất lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị điều hành nguồn vốn đầu tư công hằng năm và trung hạn cho giao thông, bảo đảm theo thứ tự ưu tiên cho các dự án có nhu cầu bức xúc.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư. Do ngân sách có hạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở tham mưu hình thức và nguồn vốn đầu tư thích hợp nhất, vừa giảm đầu tư công vừa bảo đảm phục vụ lợi ích, giúp tỉnh phát triển ổn định. Việc Bình Dương nỗ lực đầu tư giao thông phục vụ yêu cầu phát triển và mở rộng kết nối vùng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội DN đánh giá cao. Tuy nhiên, tính chủ động của một địa phương trong liên kết vùng vẫn chưa đủ, để có ưu thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều địa phương.
Tôi đánh giá Bình Dương có môi trường đầu tư rất tốt, nhưng một vấn đề giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, đó là cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương hiện nay vẫn chưa được thông suốt. Khi đi công tác tại Bình Dương vừa qua, tôi thấy quốc lộ 13 kết nối giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, tốc độ di chuyển rất chậm. Tôi mong các địa phương lưu tâm vấn đề này và tiếp tục cải thiện trong thời gian tới để tạo ra môi trường chung hấp dẫn hơn. (S. NA-KA-DI-MA – Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh)
Nguồn: TRỊNH BÌNH, nhandan.vn
Xem thêm: